Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 Search

Quản lý tài nguyên Rừng và Đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cúc Phương” dưới góc nhìn của học viên lớp Quản lý kinh tế 3 – khóa 27 (QH2018E CH QLKT3)

Tập thể lớp QLKT3- K27 chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên và đại diện Ban quản lý VQG


Trong khuôn khổ học phần Quản lý tài nguyên và môi trường, được sự cho phép của BCN khoa Kinh tế chính trị, phòng Quản lý Đào tạo, ngày 07-08/12/2019, Lớp cao học QLKT3-K27, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG - HN đã tổ chức Chương trình thực tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương với mục đích tìm hiểu về cách thức quản lý rừng và đa dạng sinh học nơi đây.


Cùng tham gia chuyến thực tế có PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp – Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế chính trị, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế; TS. Hoàng Thị Hương - giảng viên phụ trách học phần Quản lý tài nguyên và môi trường, TS. Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương và các học viên lớp cao học QLKT3- K27.

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp - Phó Chủ nhiệm khoa KTCT phát biểu khai mạc Tọa đàm về QLTN rừng và đa dạng sinh học tại VQG Cúc Phương

Qua hai ngày tham gia thực tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương, học viên của lớp đã tìm hiểu về cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, các biện pháp quản lý rừng và bảo vệ rừng, những khó khăn của việc di dời người dân bản địa ra khỏi rừng lõi, sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và môi trường rừng, cách thức quản lý du lịch sinh thái tại nơi đây…

Có thể thấy rừng Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của cả nước, thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn nằm trên địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408 ha, lưu giữ nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng về hệ sinh thái và các giá trị văn hoá, lịch sử, nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn đối với du khách ở trong nước và quốc tế.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương, với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần thể hệ động, thực vật vô cùng phong phú và đa dạng (có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu…; về động vật có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú; 336 loài chim cư trú…). Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp như: động Sơn Cung, động Phò Mã Giáng, động Người Xưa, hang Con Moong...). Không chỉ có giá trị về tự nhiên, Cúc Phương cũng ẩn chứa nhiều bản sắc văn hoá khi từ xa xưa, đây là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hoá đặc trưng, đó là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm, độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống của cộng đồng.

Công tác bảo tồn và phát triển các giá trị của Cúc Phương đã được Ban quản lý VQG triển khai đồng bộ, toàn diện. Từ lâu đã coi trọng hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học. Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành địa chỉ uy tín cho các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Israel, Vương quốc Anh… nghiên cứu và công bố nhiều công trình khoa học có ý nghĩa về sự phát triển, tiến hoá của các loài thực vật, sinh vật quý hiếm.

Để quản lý tốt Vườn quốc gia Cúc Phương, Ban quản lý VQG luôn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là các xã lân cận trong việc hỗ trợ cư dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng và môi trường. Không chỉ vậy, bằng nhiều cách thức truyền thông, VQG Cúc Phương đã và đang làm tốt việc nâng cao nhận thức đối với khách du lịch trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Ngoài ra VQG Cúc Phương cũng là một trung tâm cứu hộ động vật có uy tín trong vùng (cứu hộ 2 cá thể hổ và các loại động vật quý hiếm khác như tê tê, voọc chà lá, voọc mông trắng…)

Ngoài những mặt đạt được, Ban quản lý VQG Cúc Phương chia sẻ một số khó khăn bất cập như: Việc di dời người dân địa phương ra khỏi vùng lõi còn hết sức khó khăn; Công tác quản lý bảo vệ rừng còn bạn chế bởi địa hình rộng nằm trên địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá; Mùa mưa rừng thường hay ngập úng một thời gian nhất định; Sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và môi trường rừng còn hạn chế…

Nhằm góp phần tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học tại VQG Cúc Phương, với những kiến thức đã được đào tạo tại trường Đại học kinh tế - ĐHQG Hà Nội, các giảng viên và học viên lớp cao học QLKT3- K27 cùng thảo luận và đề xuất một số biện pháp đối với Ban quản lý VQG như sau: (i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương và người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. (ii) Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức của ba tỉnh: Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. (iii) Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; trong các hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên của VQG. (iv) Đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. (vi) Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học…

 

Tập thể lớp QLKT3- K27 chụp ảnh lưu niệm bên cây chò chỉ hơn 700 tuổi

Kết thúc chuyến thực tế, tập thể lớp QLKT3- K27 xin cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường, BCN Khoa Kinh tế chính trị, Ban quản lý VQG Cúc Phương và giáo viên phụ trách học phần đã cho chúng em được chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa này.

Giảng viên và tập thể lớp QLKT3- K27 cùng thưởng thức không khí trong lành



Thành Phương –Lớp QLKT3-K27

FullName Email
Address Security code CWCYYJ
Content